TÌM HIỂU LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA QUẦN JEANS LEVIS

Lịch sử ra đời của quần jeans

“Levi tìm tới San Francisco vào năm 1853. Nhận ra sự cần thiết của một chiếc quần chắc chắn, bền bĩ cho những người đào vàng, Levi đã sử dụng loại vải dù nâu để may quần. Sau đó ông nhuộm màu xanh cho chất liệu, và rồi chuyển sang sử dụng denim” – trong nhiều thập kỉ, câu chuyện về chiếc quần jeans được kể như vậy. Nhưng sự thật thì lại hoàn toàn khác.

Vào năm 1847, Levi Strauss cùng gia đình rời Đức tìm đến New York, nơi anh trai của ông đang kinh doanh các mặt hàng thô (dry goods: như vải, đồ vải lanh, quần áo,…). Sau đó vài năm, vào 1853, Levi tìm đến San Francisco, nơi phong trào đãi vàng đang diễn ra.  Khi đó, ông vẫn kinh doanh hàng thô với  khách hàng là những người đào vàng. Với chất lượng, công ty của Levi bắt đầu nổi tiếng trong 2 thập kỉ tiếp theo. Vào năm 1872, Jacob Davis, một người thợ may đến từ Nevada chuyên sản xuất quần áo cho những người đào vàng, tìm đến Levi và bàn về việc cải tiến những loại quần áo này. Jacob và Levi dùng những nút rivet để đóng vào túi quần nhằm tăng sự chắc chắn, và nhận được một bằng sáng chế cho việc này vào ngày 20 tháng 5 năm 1873 (giải thích cho dòng chữ May 20 1873 xuất hiện trên mạc quần của Levi’s). Vào thời gian đó, Levi và Jacob sử dụng loại vải cotton duck màu nâu và denim màu xanh để may những chiếc quần “waist overall” (và tất nhiên, ông không nhuộm bất cứ chất liệu nâu nào thành màu xanh, cũng như không phải mua loại vải denim từ Nimes, Pháp). Nhận ra được những chiếc quần này rất thích hợp cho workwear, ông đã sử dụng loại vải denim thay vì jean, bởi sự bền bĩ vượt trội của nó. Denim dùng để may những chiếc quần waist overall đầu tiên đến từ một nhà máy sản xuất nằm ở bờ biển phía Đông của Mĩ. Vào khoãng những năm 1890 thì việc đóng nút rivet vào quần được cho phép sử dụng rộng rãi, vì vậy công ti Levi Strauss & Co. không còn vị thế độc quyền nữa và dẫn tới sự ra đời của những nhãn hiệu như WranglerLee.

                                          Bằng sáng chế của Levi Strauss và Jacob Davis

Vào năm 1911, quần jeans không còn được làm bằng vải cotton duck nữa do sự yêu thích của khách hàng đối với loại vải denim. Vào những năm 1920, dòng sản phẩm “wasit overall” của Levis Strauss & Co. trở thành loại quần hàng đầu dành cho workwear ở các bang phía Tây. Bước vào những năm 1930, hình ảnh những cao bồi mặc quần jeans được nâng tầm lịch sử. Loại vải denim được xem như chất liệu của những người Mĩ chính hiệu, biểu trưng bởi những diễn viên như John Wayne, Gary Cooper,… Những người ở phía Đông muốn được thử cảm giác của một cao bồi thực thụ tìm đến California, Arizona, Nevada,… để mua cho mình những chiếc quần Levi’s đầu tiên (các sản phẩm của Levi’s vào thời gian này chỉ được bán ở phía Tây của sông Mississippi). Những người này đã giúp mở rộng ảnh hưởng của văn hóa phía Tây đến toàn bộ nước Mĩ và thậm chí sang nước ngoài

                                          Hình ảnh cao bồi trên một poster quảng cáo của Levi’s

Vào những năm 1950,  Levi Strauss & Co.  phân phối quần jeans khắp nước Mĩ, dẫn tới sự ra đời của khóa kéo quần thay cho nút quần bởi sự khác biệt về thị hiếu giữa khách hàng phía Tây và phía Đông. Quan điểm về những trang phục denim chỉ dành cho dân lao động vẫn không được thay đổi. Ca sĩ Bing Crospy, người rất yêu thích Levi’s jeans, đã từng bị mời ra khỏi một khách sạn ở Canada chỉ vì anh đang mặc loại quần ưa thích của mình. Vào thời gian này, quần jeans được xem như là biểu tượng của những thanh niên không ưu tú. Nhiều người Mĩ phản đối việc mặc quần jeans ở trường. Mặc dù vậy, số người tin rằng quần jeans xứng đáng được phổ biến hơn cũng không ít, và chỉ ra những thanh niên ưu tú mặc quần jeans và chưa bao giờ dính vào rắc rối nào. Cho dù mọi người nghĩ gì và làm gì, không gì có thể ngăn được nhu cầu đối với quần jeans. 90% giới trẻ Mĩ mặc quần jeans ở mọi nơi, trừ giường ngủ và nhà thờ. Những người này gọi dòng sản phẩm “waist overall” của Levi’s là “jeans”. Và năm 1960, Levi’s  đã quyết định đổi tên của dòng sản phẩm này, theo như cách gọi của những khách hàng trẻ.

Có 2 giả thuyết về sự ra đời của cái tên này. “Jeans” có thể là một cách đọc trại từ “Genoese”, một loại quần được mặc bởi những thủy thủ đến từ Genoa, Ý. Còn có một sự giải thích khác như sau: chất liệu jean và denim đã được dùng đễ may quần áo workwear trong nhiều thập kỉ, và “jeans” là một khái niệm tương tự cho loại quần làm từ vải jean; Levi Strauss đã nhập khẩu những chiếc quần này từ phía Đông của Mĩ và bán ở California. Khi mà sự phổ biến của chất liệu jean dẫn đường cho sự phát triển của denim trong lĩnh vực workwear, “jeans” cũng trở nên gắn liền với phiên bản denim của những chiếc quần đó.

                                          Right for School – Một slogan từng bị phản đối của Levi’s

Vào cuối thời kì này, Levi’s bắt đầu mở rộng thị trường sang toàn thế giới. Trong và sau Thế chiến II, người dân ở Nhật, Anh, Đức được nhìn thấy những chiếc quần jeans Levi’s  lần đầu tiên khi nó được mặc bởi lính Mĩ. Nhiều người đã đổi trang phục của họ để lấy những chiếc quần này. Chiếc quần jeans Levi’s rất được ưa thích ở Anh, cũng như nhiều nước châu Á khác bởi sự mới lạ và độc đáo của nó. Cuối những năm 1960, dòng chảy nhỏ giọt của jeans đã trở thành một cơn lũ tràn vào châu Âu và châu Á. Denim lại trở về châu lục nơi đã sinh ra nó. Nhưng mặc dù có nguồn gốc từ châu Âu, denim vẫn được coi như một tinh hoa của văn hóa Mĩ.

Cuối những năm 1970, nở rộ ra phong trào trang trí những chiếc quần jeans. Những chiếc quần được đính hạt, kim loại, thêu, sơn,… xuất hiện trên khắp đường phố từ California cho đến New York. Cũng vào khoãng thời gian này, kĩ thuật tạo màu cho quần jeans ngày càng phát triển. Vẫn dựa trên màu xanh chàm truyến thống, những kĩ thuật này giúp làm phai màu nhuộm, tao ra những hiệu ứng và màu sắc đặc biệt cũng như mang đến sự mềm mại và thoải mái hơn cho chất liệu. Đó chính là những chiếc quần washed jeans (hay washed denim), có thể kể đến một vài cách tạo màu như giặt đá (stone-washing), giặt axit (acid-washing), giặt tẩy (bleach-washing). Ngoài ra, còn có nhiều cách khác giúp cho màu sắc của quần jeans trông cũ kĩ, giống như đã được mặc nhiều lần, như thổi cát (sand-blasting), tạo nếp nhăn (whiskering), mài sờn,… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự tạo cho mình một chiếc quần jeans độc nhất với raw denim. Raw denim hay raw jeans, trái ngược với washed denim, không được giặt sau khi nhuộm màu trong quá trình sản xuất. Trong quá trình mặc, những hoạt động của bạn sẽ làm phai màu nhuộm dần, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo và rất riêng. Mặc raw denim thú vi hơn hẳn so với washed denim, nhưng bạn sẽ cần phải mặc nó đủ lâu và đủ bẩn để có thể mang lại một tác phẩm tuyệt vời nhất (6 tháng có lẽ sẽ đủ!).  Raw denim thường có màu xanh indigo và sự khác nhau của mỗi chiếc quần nằm kĩ thuật nhuộm của từng hãng khác nhau.

                     Những chiếc quần washed denim của nhãn hiệu mastermind JAPAN

Sinh ra ở châu Âu, denim đã tìm được một ngôi nhà hoàn hảo tại Mĩ. Và với sự ra đời của quần jeans, denim mang đến cuộc sống chúng ta sự thoái mái và một chút hoài cổ mỗi khi mặc nó. Không chỉ xuất hiện trên những chiếc quần jeans quen thuộc, denim còn là một loại chất liệu rất được ưa thích trên rất nhiều món đồ khác như chiếc kính Chanel với gọng kính làm bằng denim rất được ưa thích bởi Pharrell Williams hay đôi sneaker Christian Louboutin đế đỏ nạm đinh cũng với chất liệu denim kết hợp cùng da và kim loại. Và còn vô vàn những thứ khác mà chúng ta không thể kể hết được. Sự xuất hiện của denim trên mỗi món đồ luôn là một điểm nhấn đặc biệt mà chúng ta không thể nào bỏ qua. Denim có mặt ở mọi lục mọi nơi trong cuôc sống. Mặt trời mọc buổi sáng, trăng lên vào buổi đêm, và denim cũng vậy. Thật khó để có 1 ngày không nhìn thấy denim.

XEM THÊM : Cách phân biệt quần jean hiệu và fake

Hỏi tại đây ⬇️

zalo