Đồ si hay còn gọi là đồ 2hand chắc không còn xa lạ với nhiều người và đang dần trở thành một trào lưu được dân tình yêu thích. Nhắc đến đồ si, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món đồ đã cũ và thường được bán với giá rẻ như cho. Tuy nhiên hôm nay, hãy tạm quên những khu chợ đồ cũ với quần áo, giày dép đổ đống để đến với: Đồ hiệu 2hand!
Nghề chơi cũng lắm công phu. 2hand cũng có nhiều phân khúc. Thời trang giá rẻ chắc chắn sẽ mất giá theo thời gian, nhưng có những thương hiệu càng có tuổi thì càng có giá. Có rất nhiều món đồ hiệu 2hand nhưng giá của nó có thể lên đến vài chục triệu đến vài trăm triệu. Chi một số tiền lớn như thế cho một món đồ, ai cũng muốn mình nhận lại giá trị tương xứng. Tuy nhiên, việc mua một món đồ hiệu 2hand không hề đơn giản.
Hòa Ngân một “dân chơi” đồ si chính hiệu. Những chia sẻ về việc quản lý ăn mặc hay bí kíp để mua đồ si của cô nàng này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý. Lần này, Ngân sẽ chia sẻ những bí kíp để mua được một đôi giày hiệu, một chiếc túi hiệu hay một bộ đồ 2hand cao cấp với giá mềm nhưng vẫn đảm bảo không bị “hớ”.
Hòa Ngân – 1 “dân chơi” đồ si chính hiệu
Những chia sẻ của cô nàng hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân đúc kết được sau 1 thời gian dài đam mê và kinh doanh đồ si. Hy vọng nó sẽ có ích cho bạn trong việc mua sắm sao cho hợp lý và thông minh nhé!
Đừng vì rẻ hơn mấy triệu mà mất mấy chục triệu ra mua nhầm đồ dỏm
Đối với những món đồ còn bao bì như hộp, túi dustbag, tag giá, mình kiểm tra chất lượng của bao bì trước. Không đời nào một thương hiệu cao cấp bậc nhất, bán một chiếc túi hoặc đôi giày giá vài chục triệu mà dustbag lại may cẩu thả, đường chỉ xiêu vẹo, đường viền không may gập vào trong mà đạp vắt sổ rất ẩu, dây rút túi không chắc chắn, dầy dặn mà dùng dây sợi tròn bé xíu. Đối với giày thì thường mỗi chiếc giày sẽ có một dustbag khác nhau, chứ không phải hai chiếc cùng chung một dustbag (có thể có ngoại lệ, nhưng phần lớn các thương hiệu cao cấp đều đóng gói sản phẩm của mình kỹ càng như thế).
Vải dustbag xịn thường là vải lụa, hoặc cotton rất mềm, mượt tay chứ không phải loại vải pha nylon nhìn bóng bóng. Mình đôi khi chưa cần cầm sản phẩm, chỉ cần xem qua bao bì cũng có thể biết được một món đồ thật hay nhái. Vậy nên khi mua hàng từ nước ngoài mọi người nên yêu cầu có đủ bao bì như hộp, dustbag, hoá đơn, đừng vì lý do “xách tay” nên bỏ bao bì cho nhẹ. Đừng vì rẻ hơn mấy triệu mà mất mấy chục triệu ra mua nhầm đồ dỏm còn tức hơn.
Một chiếc túi 2hand vintage thương hiệu Valentino Creations, giá khoảng 4 triệu
– Đối với sản phẩm giày túi thì hãy xem thật kỹ phần hardware, đó là dây kéo, tag kim loại, logo kim loại. Đồ xịn thì phần hardware sẽ không bị xỉn màu, dây kéo hay logo nhìn “nhẹ hều” như đồ nhôm mua ở chợ. Có một lần mình gặp một đôi Chanel two-tone slingback nhái, nhìn sơ qua thì có vẻ không khác gì đôi hàng thật cả. Nhưng bán tín bán nghi, mình vẫn đi hỏi mượn bạn mình đôi chính hãng mua ở cửa hàng ra để so thì đúng là khác nhau ở những chỗ rất khó phát hiện nếu không nhìn gần như logo Chanel đính ở gót giày, đôi thật logo mảnh và sắc nét hơn rất nhiều, phần da của đôi thật lỳ màu chứ không bóng lên như hàng nhái, phần mũi giày thật tròn ngắn chứ không dài ra như đôi hàng nhái. Ngoài ra, giày xịn như Louboutin thì phần đế sẽ luôn là đế gỗ chứ không phải đế nhựa, khi gõ vào sẽ nghe âm thanh trầm trầm chứ không côm cốp.
Quầy tây Ralph Lauren có giá gốc khoảng từ 5-20 triệu. Quần 2hand có giá khoảngg 1 triệu 7
– Với đồng hồ 2hand, đồng hồ được xét là vintage đa số được sản xuất cách thời điểm hiện tại từ 15 – 20 năm hoặc hơn, thường là các thương hiệu nổi tiếng của Nhật như Seiko, Orient, Citizen,… và Thuỵ Sĩ như Longines, Omega, Rado, Tissot, Swatch,… và các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Fendi, Dior, Buberrys, YSL. Với các brand đắt đỏ như Hublot, Rolex, Omega, các mẫu có giá tiền từ cả trăm triệu tới tiền tỉ, các mẫu mới ra mắt thì chênh lệch giá quá lớn mang tới khả năng rất cao là hàng fake.
Hàng hiệu mắc vì có lý do của nó, chứ không phải chỉ vì là hàng “có thương hiệu”. Nên khi mua bạn hãy hết sức chú ý tới những chi tiết nhỏ này. Và tốt nhất, nên mua của những đơn vị kinh doanh có pháp nhân để còn khiếu nại được trong những trường hợp bị “hớ”. Mua đồ thì phải an tâm mới vui chứ mua rẻ một chút mà thấp thỏm thì cũng không có ý nghĩa gì.
Với đồ 2hand thì cẩn thận, kỹ càng không bao giờ thừa
Đồ hiệu cũ hay mới thì cũng cần được bảo quản kỹ càng. Mình từng nghe một câu chuyện vui từ bạn mình là bạn ấy mua một chiếc túi đắt tiền, khi đi ra đường trời mưa thì bạn ấy sẽ không bao giờ đưa túi lên che đầu như bình thường mà bỏ túi vào trong áo, bạn ấy thà ướt chứ không để túi ướt.
Câu chuyện vui trên không phải là để nói chúng ta cũng phải cực đoan như bạn kia mà để nói là đồ hiệu nên được cưng chiều một chút để nếu sau này chúng ta cần bán lại thì còn có giá.
– Bao bì: Khi mua đồ hiệu về bạn cố gắng giữ lại bao bì, đừng vứt chúng đi bởi vì hai chiếc túi cùng thương hiệu, cùng tình trạng nhưng chiếc còn hộp, còn hoá đơn, còn dustbag sẽ có giá hơn chiếc “trần trụi” rất nhiều.
Một chiếc áo của Gucci thời còn có Tom Ford làm giám đốc sáng tạo – một thời kì đỉnh cao của thương hiệu này. Chiếc áo 2hand này có giá 5 triệu đồng.
Đôi giày 2hand của thương hiệu Prada
– Chống ẩm: ngoài việc để sản phẩm ở nơi khô ráo, bạn nên mua các túi chống ẩm nhỏ để bỏ vào bên trong túi xách hoặc hộp giày. Chống ẩm là rất quan trọng trong việc bảo quản quần áo, phụ kiện.
– Giặt: phần lớn quần áo các thương hiệu cao cấp đều đòi hỏi “dry-clean” nghĩa là giặt hấp. Khi mua về bạn nhớ đọc kỹ nhãn mác xem là sản phẩm có đòi hỏi đặc biệt gì đối với việc giặt giũ không, để tránh trường hợp mua một chiếc áo dệt kim hoặc vải wool (lông) thật xịn về khi nhúng nước một lần liền lập tức co rút hoặc giãn mất phom, hoặc các loại quần áo có xử lý bề mặt phức tạp nên được giặt riêng tránh trường hợp sợi bị vướng, bị móc vào các loại quần áo khác.
– Đồ da: đồ da nếu biết giữ gìn bảo quản đúng cách sẽ ngày càng đẹp theo thời gian, nhưng da túi cũng như da mặt, sẽ khô và bong tróc nếu chúng ta không biết cách bảo quản.