Tồn kho, giá thiếu cạnh tranh hay ép khách mua hàng là những yếu tố nên tránh khi mở shop thời trang
Hàng tồn kho
Không phải cứ có vốn là có thể kinh doanh hiệu quả, quan trọng phải biết sử dụng đồng vốn sao cho đúng đắn, đặc biệt đối với kinh doanh quần áo. Theo chị Lan, chủ shop thời trang trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM), yếu tố quan trọng trong kinh doanh quần áo là tránh để hàng tồn, bởi lẽ hàng sẽ cũ và lỗi mốt. Khi đó, sản phẩm sẽ không được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tiền đầu tư sẽ đọng lại, không thể xoay vòng nhanh.
Chị Lan kể, hồi đầu kinh doanh chị ham rẻ, nghĩ mua với số lượng nhiều thì sẽ lời lớn, tuy nhiên, vì lấy với số lượng lớn khiến sản phẩm tại cửa hàng dư thừa, chị lỗ vài triệu đồng với lô hàng đó. Do vậy, theo chị Lan, muốn dòng tiền xoay vòng tốt, được khách hàng quan tâm và hưởng ứng thì hàng tại shop phải luôn có mẫu mới, đẹp và thay đổi theo mùa. Khi đi lấy hàng, chủ cửa hàng nên lấy với số lượng nhỏ để thăm dò thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Có như vậy, người bán vừa xoay được vốn, lợi nhuận đem lại cao, tạo tâm lý quay trở lại đối với khách hàng.
Giá thiếu cạnh tranh
Thông thường đối với những phân khúc khách hàng bình dân, khi kinh doanh cửa hàng quần áo bạn nên chú ý tới đối thủ xung quanh. Dù hàng hóa của bạn có đẹp đến mấy nhưng bán giá quá cao khách hàng cũng chỉ ghé thăm để chiêm ngưỡng chứ không mua. Do vậy, có giá cả hợp lý, không quá chênh lệch với đối thủ là yếu tố để cạnh tranh tốt.
Chị Linh đưa ra dẫn chứng, nếu cửa hàng bên cạnh bán sản phẩm áo sơ mi cùng chất liệu, kiểu khác đôi chút giá 200.000 đồng thì sản phẩm tại cửa hàng của chị dù sắc sảo hơn nhưng cũng chỉ bán bằng giá, thậm chí thấp hơn 10.000 đồng nên khách hàng luôn ghé thăm.
Ngọc Lan, sinh viên đại học ở TP HCM cho biết, cô thường mua quần áo tại một shop quen, có thương hiệu riêng, giá khá mềm, từ 250.000 đến 300.000 đồng một sản phẩm. Mới đây, cô tiếp tục mua một chiếc áo sơ mi khá ưng ý. Nhưng tình cờ ghé qua tiệm khác, cô thấy một chiếc áo tương tự về chất liệu và kiểu dáng (thương hiệu khác), giá chỉ 180.000 đồng. Sau khi dò hỏi, cô mới biết cả 2 shop đều đặt gia công hàng cùng một cơ sở. Từ đó mỗi khi mua đồ, Lan đều có sự so sánh, cân nhắc chứ không mặc nhiên đến cửa hàng quen chọn đồ.
Ép khách
Hãy luôn tươi cười và cảm ơn ngay cả khi khách chỉ “ngắm chứ không mua”. Tuyệt đối không vồ vập, nài ép họ mua sản phẩm. Bởi, nếu hành xử thô lỗ sẽ làm khách hàng sợ hãi và chẳng bao giờ ghé lại cửa hàng của bạn. Như vậy, cửa hàng không chỉ mất khách, doanh thu giảm mà còn mang tiếng xấu.
Chị Hương, chủ cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) chia sẻ, mỗi lần khách vào cửa hàng, ngoài chuyện giới thiệu những mẫu mới chị còn tận tình phối đồ cho khách, nói chuyện nhẹ nhàng. Có khi mất cả 2 tiếng đông hồ với chỉ một khách nhưng chị không hề nhăn nhó mà vẫn niềm nở, dù đôi lúc khách không chọn được sản phẩm vừa ý. Tuy nhiên, nhờ phục vụ tận tình nên khách không nỡ bỏ đi mà cũng mua ít nhất một đến hai sản phẩm. Nhờ thế, số tiền lời kiếm được mỗi ngày luôn có sự tăng trưởng.
Ưu đãi giả
Nhiều trung tâm, cửa hàng đưa ra những chương trình ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nếu không khéo sẽ gây phản cảm và khách sẽ sớm khai trừ cửa hàng của bạn ra khỏi danh sách ghé thăm.
Chiêu giảm giá tới 50% của nhiều cửa hàng thực chất là nâng giá lên gấp đôi so với bình thường rồi treo biển giảm giá. Nếu khách hàng quen và tinh ý họ dễ dàng nhận ra ý đồ của cửa hàng và khi ấy khách hàng sẽ mất niềm tin và sẵn sàng bỏ lại sản phẩm dù đã mất nhiều công sức chọn lựa.
Do vậy, nên khuyến mãi với giá thực. Đối với những sản phẩm tặng kèm nên chọn những sản phẩm ý nghĩa có giá trị sử dụng. Khi ấy, không chỉ có khách hàng quen tới quán mà những người mới cũng tìm đến.
Anh Minh, giám đốc một doanh nghiệp ở TP HCM cho biết, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập công ty, dù là doanh nghiệp quy mô nhỏ, anh vẫn muốn có một món quà ý nghĩa và chất lượng tặng cho nhân viên và khách hàng thân thiết. Sau khi dò tìm, anh quyết định chọn một shop quần áo hàng hiệu trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 vì thấy quảng cáo giảm giá 50%. Sau khi thỏa thuận, chọn lựa, anh đặt mua 200 chiếc áo hàng hiệu, giá một triệu đồng mỗi cái (đã giảm giá). Ngày nhận hàng, dù anh có một chút không hài lòng vì bao bì của sản phẩm không được đẹp và có phần hơi cũ, nhưng rồi anh vẫn bỏ qua.
Sau ngày lễ kỷ niệm, một nhân viên lên gặp anh và cho biết là phát hiện sản phẩm mua tặng cách đó 2 tuần niêm yết giá chỉ 1,2 triệu đồng mỗi cái, lại còn được tặng kèm một chiếc cà vạt. Như vậy, với số tiền 200 triệu đồng bỏ ra mua quà tặng, anh Minh vừa không được giảm giá là bao, lại còn bị mất quà tặng.
Chính vì khách hàng ngày càng tinh tế hơn, nên trong vấn đề kinh doanh cũng vậy mình phải khéo léo có những chiến thuật làm sao để khách luôn hài lòng tạo được sự thoải mái nhất cho khách khi muốn mua một món hàng gì đó.